Con đường tìm kiếm việc làm thêm ở Nhật mà du học sinh phải trải qua

Các bạn du học sinh sắp sửa sang Nhật Bản du học thân mến! Các bạn chắc hẳn đều rất quan tâm tới vấn đề làm thế nào để có thêm thu nhập, trang trải chi phí, chi tiêu trong những ngày tháng sinh sống ở Nhật sắp tới. Và hôm nay, mình sẽ giới thiệu đến các bạn một số cách để tìm được việc làm thêm ở Nhật. 

I - Tư cách làm thêm
Để có tư cách được đi làm thêm, bạn hãy đến Cục quản lý nhập cảnh ở khu vực nhận “Giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú”. Lưu ý rằng nếu bạn không nhận được giấy phép này sẽ không được làm thêm. Từ tháng 7 năm 2012 những người có visa du học có thể xin cấp “Giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú”. Khi đi bạn nhớ mang theo Thẻ lưu trú để Cục kiểm tra. Việc hạn chế thời gian làm thêm của du học sinh cũng có sự khác nhau tùy từng loại visa.
Lưu ý :
Không phải cứ có tư cách đi làm thêm là bạn có thể làm được bất cứ công việc gì.
Trong số đa dạng các loại hình công việc của Nhật Bản, có loại công việc gọi là “công việc phong lưu”. Việc phong lưu ở Nhật Bản giống với làm nghề giải trí (chủ yếu ở các nơi như quán bar (host bar), câu lạc bộ (club)). Những người có visa du học nếu làm “việc phong lưu” và bị cảnh sát hoặc những người có liên quan đến Cục quản lý nhập cảnh bắt sẽ bị phạt tiền và gửi giấy báo về trường để nhà trường xử lý và bị cưỡng chế về nước. Vì vậy, tuyệt đối bạn không được làm thêm những công việc gọi là “việc phong lưu”. Những công việc giống như ví dụ ở trên đều nằm trong việc phong lưu. Rất mong bạn hãy tìm những công việc mà không liên quan đến việc phong lưu.


II -  Danh sách những công việc làm thêm phổ biến của Nhật:
1.  Combini – Cửa hàng tiện lợi
Giống như thu ngân ở Việt Nam, công việc của bạn sẽ là đứng tính tiền, bày sản phẩm, lau dọn cho cửa hàng sạch sẽ…Để làm được công việc này, bạn cần nắm rõ tiếng Nhật để chào khách và tính tiền cho chuẩn.
Đây là một công việc lương không cao ( thường là 780 yên/giờ).
2. Phát báo
Bạn sẽ phải làm việc từ 1 – 2h sáng tới tận 5-7h sáng vào mỗi ngày trong tuần. Đây là công việc lương khá cao, bạn có thể kiếm được từ 120.000 yên – 140.000 yên/tháng tuy nhiên là công việc rất vất vả.
3. Siêu thị
Tính tiền ở siêu thị hoặc chế biến ở bên trong (làm thịt, cá,…). Nếu làm chế biến thì không cần trình độ tiếng Nhật cao.
4. Lập trình
Đây là công việc lương khá cao từ 1.000 yên – 2.000 yên/giờ tuy nhiên công việc này yêu cầu bạn có khả năng lập trình và giao tiếp được bằng tiếng Nhật.
5.  Rửa chén
Đây là việc lương thấp, cực,… nhưng lại không cần trình độ tiếng Nhật. Thích hợp cho bạn nào mới sang.
6. Phục vụ khách sạn
Nếu bạn sống ở vùng du lịch nghỉ dưỡng thì bạn có thể xin công việc làm phòng, phục vụ ăn uống,…
7. Nấu ăn
Ví dụ cửa hàng cơm hộp (bentou), quán mỳ raamen, quán ăn Nhật, các quán ăn bình dân như Yoshinoya, Matsuya,… Bạn không cần có nhiều kiến thức về nấu ăn nếu làm ở các quán được cung cấp nguyên liệu chế biến sẵn và có công thức nấu như Matsuya, quán cơm hộp Saboten,… Còn ở các quán khác thì thường sẽ có người chỉ cho bạn. Nếu bạn muốn học cách nấu ăn ví dụ như mỳ raamen thì công việc này khá có ý nghĩa.
Bạn cũng có thể làm công việc đón khách, tính tiền (cần tiếng Nhật đủ tốt) hoặc chế biến bên trong chẳng hạn.


III - Những cách giúp bạn tìm kiếm được việc làm thêm
Mình nhận thấy có một số cách sau :
Cách 1: Có người quen giới thiệu
Ví dụ có người quen đang làm trong một quán ăn và giới thiệu bạn vào đó làm, hoặc người đó không làm ở đó nữa và giới thiệu bạn vào thay. Đây là cách chắc ăn nhất vì chủ quán sẽ yên tâm tin tưởng do có sự giới thiệu. Nếu bạn có mối quan hệ rộng với nhiều người, bạn có thể nhờ bạn bè giới thiệu công việc cho bạn. Đây là cách nhiều du học sinh vẫn làm.

Cách 2: Tìm quanh khu phố bạn sống, tốt nhất là ở các nhà ga lớn gần chỗ bạn sống
Ở các nhà ga tàu điện lớn bao giờ cũng tập trung siêu thị, cửa hàng ăn uống, cửa hàng tiện lợi (kombini).  Khi cần tuyển người làm thêm, các cửa hàng sẽ dán thông báo アルバイト募集arubaito boshuu (arubaito mộ tập) ở trước cửa. Bạn hãy gọi điện thoại hỏi.

Cách 3: Thông qua báo giới thiệu việc làm miễn phí
Các báo này thường gọi là フリーペーパー(free paper, báo miễn phí) phát ở các cửa hàng, siêu thị, cửa hàng tiện lợi 24 giờ (combini),… gần nơi bạn sống. Thường báo phát hành vào thứ 2 hoặc thứ 5, bạn nên lấy báo ngay sau khi phát hành và gọi điện ngay, vì cần có tính cạnh tranh về thời gian. Các cửa hàng, hàng quán thường là cần người ngay. Báo miễn phí sẽ có các chữ như 無料(muryou, vô liệu = miễn phí), 0 (0 yên), FREE (miễn phí)….

Cách 4: Thông qua các trang web giới thiệu việc làm thêm
Ví dụ:
Bạn có thể tìm ở khu vực ga tàu điện mà bạn muốn. Các công việc bao giờ cũng được sắp xếp theo khu vực và chủng loại công việc nên có thể dễ dàng tìm kiếm.

Cách 5: Thông qua trường bạn học giới thiệu
Thường là các công việc như lập trình (nếu bạn học đại học về công nghệ thông tin), gia sư,… Thường các trường có kênh giới thiệu việc cho du học sinh, bạn có thể thỉnh thoảng ghé qua đó xem có công việc nào phù hợp không.

Cách 6 : Thông qua Facebook
Bạn tham gia một trang Page nào đó liên quan tới Du Học Sinh và thường thấy một số bạn chạy sô hay đăng tin môi giới việc làm thêm cho bạn, và bạn phải trả một mức phí gọi là phí môi giới vì họ đã mất công sức giúp bạn tìm ra công việc đó và giới thiệu cho bạn vào làm. Thường thì những bạn này có thể giao dịch được nhưng có thể bạn sẽ được trả lương thấp hơn so với thông tin tuyển dụng của người chủ vì bạn hoàn toàn không thành thạo tiếng nên giao dịch chỉ diễn ra giữa người môi giới và người chủ thuê bạn. Cách này thì giúp cho các bạn nào chưa tự tin về tiếng của mình có thể dễ dàng tìm kiếm được việc làm thêm để duy trì sự sống nhưng lưu ý là bạn phải được nhận vào làm rồi sau đó mới đưa huê hồng cho họ nếu không nguy cơ có thể bạn sẽ bị lừa.


VI - Lộ trình xin việc
Nếu bạn cảm thấy đủ tự tin để có thể tự xin việc mà không cần qua bất kỳ Công ty môi giới nào thì những gì bạn làm bây giờ là phải biết tuân thủ Lộ trình Xin Việc sau :
Gọi điện thoại → Nộp Hồ Sơ Trực Tiếp + Phỏng Vấn Trực Tiếp → Về Nhà Chờ Kết Quả (nếu chờ lâu mà không thấy họ gọi điện thoại lại cho bạn thì bạn cũng đừng nên trông chờ nữa, hãy tìm nơi tuyển dụng khác)
Ở Việt Nam có nhiều trường hợp bạn có thể xem quảng cáo tìm người làm thêm dán ở trước cửa hàng và tìm đến phỏng vấn xin việc. Nhưng ở Nhật Bản, nếu bạn không gọi điện trước mà đột nhiên vào cửa để xin việc, bạn sẽ bị từ chối. Vì vậy, tốt nhất bạn nên gọi điện tìm hiểu từ trước. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm hiểu thông tin tuyển dụng qua các kênh như from A, Domo, Town Work v.v
Nếu tìm được công việc làm thêm phù hợp bạn hãy mạnh dạn xin hỗ trợ. Trước khi gọi điện thoại bạn hãy chuẩn bị giấy ghi lại, và bạn phải bình tĩnh và giữ thái độ lịch sự khi đề nghị hỗ trợ.

Mình chúc các bạn thành công và gặp nhiều may mắn nhé!



Mọi chi tiết về du học Nhật Bản vui lòng liên hệ với chúng tôi:
Trung tâm tư vấn Du học Hữu Nghị
Địa chỉ : 106/2 A2 Lạc Chính, Phường Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại : 04.3926.0666
Hotline : 098.387.8283
Email : duhochuunghi@gmail.com
Website : www.duhochuunghi.com



 
Scroll to top